Kiểm soát biến động giá ngay từ đầu năm

redbag
19/06/2023

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước. Các chuyên gia dự báo lạm phát tại Việt Nam chưa đạt đỉnh nên ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phải bám sát diễn biến giá cả và sẵn sàng ứng phó với lạm phát…

Nhu cầu tiêu dùng hàng hoá tăng mạnh vào dịp Tết.

Ghi nhận tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy sau Tết, nguồn cung thực phẩm nhiều nhưng không có tình trạng khan hàng đẩy giá tăng cao. Giá cả một số loại rau củ tại các chợ mặc dù nhích tăng so với ngày thường, nhưng đã giảm nhiệt so với ngày Tết do nguồn cung dồi dào và nhu cầu không có biến động.

Tại chợ Diêm Gỗ, Long Biên, Hà Nội, giá bán các loại rau củ như cải cúc, cải ngọt… ổn định hơn nhiều năm do nguồn cung khá dồi dào, chỉ số ít mặt hàng rau, củ cao hơn khoảng 20% so với trước Tết. Giá chỉ tăng cục bộ trong các ngày từ mùng 1 đến mùng 5 Tết do người bán không nhiều và nhu cầu tiêu thụ rau, củ của người dân tăng cao.

KHÔNG CÓ HIỆN TƯỢNG TĂNG GIÁ ĐỘT BIẾN

Theo báo cáo của một số địa phương và thông qua công tác nắm bắt thông tin thị trường giá cả của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhìn nhận lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng… được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, nhất là các mặt hàng nông sản, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Tình hình giá cả nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan quản lý về giá đề ra.

Đặc biệt, nhiều siêu thị cũng triển khai kế hoạch mở cửa sớm và đóng cửa muộn trong tuần lễ mua sắm cao điểm, thậm chí, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi như hệ thống siêu thị AEON, Circle K… mở cửa xuyên Tết, đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nhờ đó, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh, thành phố lớn.

Đại diện AEON Việt Nam cho biết AEON lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa từ sớm, ngay từ giữa năm đã xúc tiến phối hợp cùng các nhà cung cấp về nguồn hàng và ưu đãi xuyên Tết, để bình ổn giá và triển khai nhiều chương trình kích cầu. Điển hình như ưu đãi 15-30% đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hoặc đã qua chế biến, các mặt hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình…

Sang những ngày đầu năm mới, hầu hết các chợ, siêu thị đều bắt đầu mở cửa từ ngày mùng 3 Tết đón khách trở lại, các cửa hàng nhỏ cũng mở hàng đầu năm.

Đến nay, hoạt động mua bán trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng đầu năm không cao do phần lớn các gia đình đã chuẩn bị đủ từ trước Tết, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ trông giữ xe tự phát quanh các địa điểm tâm linh có biến động tăng, nhất là trong các ngày đầu năm và tại một số thành phố có nhiều điểm du lịch, đền chùa…

NHU CẦU MUA SẮM ĐẨY CPI TĂNG 0,52%

Theo các chuyên gia, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ rõ CPI tháng 1 tăng 0,52% so với tháng trước và tăng tới 4,89% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cùng kỳ, cao hơn mức CPI bình quân chung.

Cụ thể, trong rổ hàng hóa tính chỉ CPI, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng gồm nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 1,66%; thuốc hút tăng 0,71%; đồ uống không cồn tăng 0,49%.

Tiếp đến, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82% tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,89% làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm, điển hình như giá gạo tăng 0,84%, các mặt hàng lương thực chế biến khác cũng tăng như: miến tăng 1,19%; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 1,03%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,72%…