Các yếu tố chính tác động đến Thị trường chứng khoán
Sau đây là các yếu tố chính ảnh hưởng đến Thị trường chứng khoán mà nhà đầu tư cần nắm:
1. Tổng sản phẩm quốc nội – GDP
Tổng sản phầm quốc nội (GDP) là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất xảy ra trong phạm vi lãnh thổ một nước trong một thời kỳ nhất định, thường là 1 năm.
GDP được tính dựa trên tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, tiêu dùng cuối cùng của chính phủ, tổng đầu tư và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ. Chính vì vậy, sự tăng trưởng của GDP sẽ giúp chỉ ra được tỷ lệ có việc làm và thu nhập của người dân đang tăng lên dẫn đến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa được kích thích tăng theo, thúc đẩy sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp, qua đó làm gia tăng sự phát triển của nền kinh tế. Chính những điều này sẽ thu hút được sự quan tâm và dòng vốn từ các nhà đầu tư giúp cho giá cổ phiểu tăng lên. Ngược lại, GDP thấp hay sự sụt giảm GDP cũng sẽ là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang gặp những khó khăn, bất lợi trong sản xuất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Và trong năm gần đây, trước dịch bệnh Covid 19 khiến nền kinh tế cả thế giới bị ảnh hưởng nặng nề thì nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP dương với ước tính đạt 2,91% – thuộc nhóm những nước cao trên thế giới. Điều này cho thấy rằng dư địa và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn lớn, phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư về dư địa tăng trưởng của Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai.
2. Chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ là chính sách kinh tế vĩ mô do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý, nhằm kiểm soát lượng cung tiền thông qua việc kiểm soát lãi suất giúp nền kinh tế đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát. Chính sách tiền tệ bao gồm Chính sách tiền tệ mở rộng (giảm lãi suất) và Chính sách tiền tệ thắt chặt (tăng lãi suất). Lãi suất là yếu tố quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đi vay mà các chủ thể trong nền kinh tế hay doanh nghiệp phải gánh chịu. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến khả năng tạo ra doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong tương lai.
Một ví dụ điển hình cho sự tác động của chính sách tiền tệ đối với Thị trường chứng khoán là vào đầu năm 2008, lúc này giá cổ phiếu lao dốc khiến hàng loạt nhà đầu tư chao đảo. Nguyên nhân chính là do Chính sách tiền tệ thắt chặt (tăng lãi suất) của Ngân hàng Nhà nước. Việc áp dụng chính sách này khiến chi phí lãi vay tăng, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Ngoài ra nó còn tác động đến nhà đầu tư cá nhân khi lúc này họ sẽ thay đổi cách sử dụng tiền nhàn rỗi từ đầu tư chứng khoán sang gửi tiết kiệm dẫn đến lượng cầu giảm khiến giá cổ phiếu giảm theo. Nhưng không lâu sau đó, thị trường đã ổn định và tăng trưởng trở lại khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cơ bản từ 8,5% xuống 7% đi kèm cùng với gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ. Tuy nhiên, sự sụt giảm lại một lần nữa xảy ra vào cuối tháng 11 năm 2009 khi Ngân hàng nhà nước lại tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%. Có thể thấy Thị trường chứng khoán rất “nhạy cảm” với những thay đổi trong Chính sách tiền tệ của Nhà nước.
3. Lạm phát
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ. Lạm phát thường được đo lường qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Lạm phát khiến giá hàng hóa leo thang nên để kìm hãm lạm phát thì Ngân hàng Trung ương buộc phải thực hiện Chính sách tiền tệ thắt chặt, việc tăng lãi suất dẫn đến các doanh nghiệp phải chịu chi phí vay cao hơn cũng như giá nguyên liệu đầu vào tăng, làm giảm khả năng mở rộng sản xuất cũng như giảm doanh thu lợi nhuận. Tình hình kinh doanh không đạt như kỳ vọng sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu giảm theo.
VD: Năm 2008, CPI của Việt Nam đạt mức cao nhất xấp xỉ 23% và trong khoảng thời gian này, thị trường chứng khoán “lao dốc” nghiêm trọng và liên tục thiết lập “đáy” mới. Nhưng sang đến năm 2009, lạm phát đã được khống chế thành công và CPI chỉ ở mức 6.8% đã giúp cho nền kinh tế ổn định hơn đồng thời Thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng trở lại. Trong những năm gần đây từ 2016 – 2021, chỉ số lạm phát ở Việt Nam luôn được duy trì dưới 5% và được coi là một mức lạm phát tự nhiên tạo thuận lợi cho Nhà nước điều hành các chính sách phát triển kinh tế. Nhờ đó mà Thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua cũng đã có những sự tăng trưởng tích cực và đạt được nhiều cột mốc lớn.
Qua những yếu tố trên, có thể thấy Thị trường chứng khoán rất nhạy cảm và luôn biến động. Mỗi một sự kiện đều có tác động lớn và nhỏ đến thị thường khiến giá cổ phiếu thay đổi. Càng nắm rõ những yếu tố này, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quát về Thị trường chứng khoán qua đó dự đoán được xu hướng thị trường và đưa ra chiến lược phù hợp, giảm thiểu mọi rủi ro. Ngoài các yếu tố đã được nêu ở trên, Thị trường chứng khoán còn chịu ảnh hưởng bởi những nhân tố khác như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số quản lý thu mua (PMI), kỳ công bố kết quả kinh doanh của doanh nghiệp,…. Để có thể nắm được tất cả những yếu tố tác động đến thị trường, Quý nhà đầu tư hãy theo dõi ở video Bài 11: Những yếu tố tác động đến thị trường và giá cổ phiếu
Ngoài ra, nếu bạn là một nhà đầu tư mới cần tìm hiểu về cách đầu tư chứng khoán, hãy truy cập ngay website “MASTER ACADEMY – HỌC CÙNG MAS, TRỞ THÀNH MASTER” để tham gia các khóa học từ cơ bản đến nâng cao nhằm nâng cao kiến thức đầu tư và kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia của CTCK Mirae Asset.”
Để mở tài khoản chứng khoán, truy cập: MỞ TÀI KHOẢN GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TẠI MIRAE ASSET ONLINE
Chúc bạn thành công!