Từ khởi nghiệp đến M&A; của ông chủ Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ (kỳ 1)
19/06/2023
Sau nhiều năm lăn lộn với các bệnh viện quê nhà nhưng vẫn không được đánh giá đúng năng lực, bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng quyết định rời mảnh đất Quảng Nam nghèo khó để vào Sài Gòn tìm kiếm việc làm.
Từ mua đồng nát…
Vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, mục đích duy nhất của bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng chỉ muốn được làm chuyên môn thuần túy, nhưng ông không thể ngờ lại phải đối mặt với những năm tháng cơ cực nhất. Sau này, trong cuốn hồi ký của mình, bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng cho rằng đó là quyết định có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời ông, nhờ đó mà phòng khám tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được chính ông khơi dựng, và sau này là Tập đoàn Y dược tư nhân đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam, bao gồm 10 cơ sở y khoa, các bệnh viện và phòng khám với 2.000 nhân viên, 360 bác sỹ, và được định giá lên đến 100 triệu USD, đó chính là Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ.
Để có được tập đoàn Hoàn Mỹ, ít ai biết rằng ông đã phải vượt lên những thách thức trong suốt 8 năm trời không được hành nghề y, một quãng thời gian đủ dài để người ta bắt đầu một câu chuyện khác, một sự nghiệp khác. Nhưng với bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, tình yêu với nghề lớn hơn bất cứ thứ gì khác và chỉ có tình yêu mới giúp ông vượt qua mọi thách thức mà với một người bình thường, tưởng chừng là điều không thể thực hiện được.
Quay trở lại quãng thời gian mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, do không xin được việc làm, bác sỹ Tùng đã phải vất vả mưu sinh bằng việc cộng tác khám bệnh và đọc phim cho những phòng mạch tư nhân.
“Tôi đi đến Củ Chi, Bình Chánh… để tìm cơ hội. Nhưng quả thật lúc đó, tôi hơi lãng mạn, ngây thơ, đi thì đi thế, chứ đâu có cơ hội thực sự nào,” ông kể trong cuốn hồi ký của mình.
Tuy nhiên, những chuyến đi như vậy giúp ông nhận ra rằng người dân thích mua bán vàng sau mỗi mua vụ. Mà để mua bán vàng cần phải có cân tiểu ly, và thế là ông tìm mối bán buôn cân tiểu ly, nhờ đó mà cũng trang trải kha khá cho cuộc sống. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời và đây là giai đoạn mà ông thực sự rơi vào tình cảnh “xơ xác” trong cuộc sống mưu sinh.
“Giai đoạn này kéo dài cỡ 4 năm và có đôi lúc, tôi thấy chán nản và muốn bỏ lại sau lưng tất cả để ra đi,” bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng hồi tưởng.
Ông nghĩ rằng, không thể quay lại Quảng Nam, nơi ông đã làm được những điều mà ít người làm được (đó là hồi sinh bệnh viện huyện Đại Lộc nơi ông làm giám đốc). Nhưng ở lại Sài Gòn thì tương lai quá mù mịt, vì không thể hành nghề, cũng như không có một việc gì để mưu sinh đúng nghĩa. Khao khát một ngày được khoác lên mình tấm áo blouse trắng vẫn cháy bỏng trong ông.
Rồi ông tình cờ gặp một người bạn cùng học chung Đại học Y khoa Huế, người bạn này đề nghị ông làm một công việc rất sát với chuyên môn. Gia đình người bạn này có một xưởng chế biến thuốc chữa dạ dày, một trong những chất liệu để làm thuốc là một chiết xuất từ nhôm. Thế là, hằng ngày bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng đi thu mua nhôm mang về xưởng sản xuất.
“Mỗi ngày, nếu số tiền cần mua hàng là 10 đồng, thì người bạn đưa cho tôi 12 đồng. Anh ấy giúp đỡ tôi theo kiểu tế nhị như vậy,” bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng hồi tưởng.
…đến bán que thử thai
Ông làm công việc này cho đến khoảng năm 1990, khi gia đình người bạn chuyển sang định cư ở Pháp. Lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đến độ không đủ tiền để sống. “Tôi ước gì trong túi lúc nào cũng có 2.000 đồng để lỡ có bể lốp xe cũng có tiền mà vá lốp,” ông bồi hồi nhớ lại.
Sau đó, ông tìm đến một đàn anh là bác sỹ Phạm Tiêu Thu và được giới thiệu vào làm việc ở nhà trẻ Hoa Lư để làm “bác sỹ nhà trẻ”. Tại đây, ông làm việc cần mẫn như phẩm chất vốn có dù phải giấu thân phận của mình. Làm công việc này được hơn 1 năm, cho đến một hôm có học sinh bị sốt cao trong giờ học. Theo trách nhiệm của mình, Nguyễn Hữu Tùng cùng một bảo mẫu đưa cháu bé qua bệnh viện Nhi Đồng 2 để điều trị. Nhận thấy cháu bé bị bệnh huyết tán, nên Nguyễn Hữu Tùng đã nói với các bác sỹ, khiến mọi người đều ngạc nhiên. Nhưng không ai tin lời ông bởi không ai biết ông là ai. Tuy nhiên, đó lại là một sự khởi đầu cho một cơ hội mới của ông.
Cháu bé sau khi được các bác sỹ nước ngoài chẩn đoán đúng bệnh như bác sỹ Tùng nói đã đến cảm ơn. Vốn là một mạnh thường quân của trường, vị phụ huynh này đã đề nghị nhà trường nâng mức trợ cấp từ 70.000 đồng lên 120.000 đồng cho bác sỹ Tùng. Ngoài việc được tăng lương, ông được nhà trường tin tưởng cho phép nhận bệnh, khám sơ trước khi đưa qua bệnh viện.
Rồi ông được bác sỹ Thu giới thiệu với một công ty Singapore, công ty này có chương trình hợp tác với bệnh viện Từ Dũ để nghiên cứu vác xin thế hệ 3. Như vậy, ông đã có thể quay lại giấc mơ, khát vọng làm nghề y của mình và kết thúc 8 năm mòn mỏi trong chờ đợi.
Nguyễn Hữu Tùng được bác sỹ Thu giới thiệu vào làm việc tại Công ty Everich của Singapore, chuyên nhập khẩu và kinh doanh thuốc, lại đang có dự án hợp tác với các bệnh viện ở Việt Nam để nghiên cứu về vắc xin viêm gan B.
Càng bất ngờ hơn khi ông được người ta trả mức lương 700 nghìn đồng/tháng. “Tôi như không tin vào tai mình. Không phải vì số tiền quá nhiều, mà vì tôi chưa thể hình dung được, tôi sẽ phải làm gì để có thể nhận mức lương cao quá như vậy,” bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng hồi tưởng.
Đó cũng là lần đầu tiên sau bao năm lưu lạc ở Sài Gòn, ông có thể có một công việc tốt và nhận một mức lương cao đến vậy. Kết quả của những nỗ lực với công việc này đã giúp ông am hiểu sâu sắc về viêm gan siêu vi B. Hai năm sau, Nguyễn Hữu Tùng lại xin nghỉ việc tại công ty vì nhận ra rằng ông chỉ có thể bước qua cổng bệnh viện chứ không thể tiếp cận bệnh nhân.
Sau đó, ông được bạn bè giới thiệu đi bán sản phẩm que thử thai quicktest cho công ty Pharmatech khá thành công, nhờ vậy mà ông lại được công ty giao tiếp thị các sản phẩm về siêu vi B, siêu vi C, và HIV.
Cũng nhờ công việc tiếp thị này, Nguyễn Hữu Tùng quen và xin vào làm việc tại phòng khám Trường Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông đảm nhiệm cả chức năng hộ lý, lẫn tiếp thị để có thể lôi kéo bệnh nhân tới phòng khám. Ông đã thuyết phục thành công lãnh đạo Sabeco, Dệt Thành Công, Cao su Đồng Nai đồng ý chích ngừa viêm gan B cho công nhân viên. Đó là thành công vang dội mà chính Nguyễn Hữu Tùng và các giáo sư, bác sỹ của Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể ngờ được.
>>Kỳ tiếp theo: Sự ra đời của Hoàn Mỹ
Bài viết mới nhất
- 1 Vinatex (VGT): Quý 4/2019 lãi ròng 94 tỷ đồng cao gấp 3 lần cùng kỳ
- 2 Vietcombank tuyên bố thưởng 1 tỷ đồng cho U22 Việt Nam nếu vô địch Sea Games 30
- 3 TPBank cảnh báo hành vi lừa đảo chào bán hồ sơ giải ngân trong ngày
- 4 NHNN yêu cầu thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
- 5 Thị trường nhà đất TP.HCM có đang gặp nguy?