Trao đổi với PV Infonet, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn: “Mấy chục năm làm việc trong ngành ngân hàng nhưng tôi chưa thấy ở đâu áp dụng phương pháp này. Nó làm cho người dân rất khó hiểu, khó tính toán.
Theo ông Hiếu, quy định phải gửi tiết kiệm rồi trả lãi hàng tháng cho người vay cũng có cái bất lợi là làm giảm tỷ lệ sinh lời trên món nợ cho ngân hàng, song lại khiến người dân cảm thấy có tính toán nào đó để có lợi cho ngân hàng.
“Mặc dù thực hiện quy định gửi tiết kiệm sẽ là cách bảo đảm cho người dân có tiền trả tiền gốc cho ngân hàng nhưng theo tôi nên bỏ cách làm này, không cần thiết phải trả tiền bằng gửi tiết kiệm”, ông Hiếu nói.
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, ông Lê Hoàng Châu khi trao đổi với chúng tôi thì phần nào tán đồng với quy định gửi tiết kiệm mới được vay ưu đãi, bởi theo ông mức tiền gửi tiết kiệm thể hiện ý chí của người tham gia muốn mua nhà ở xã hội thực sự; thể hiện sự đóng góp vào chính sách chung để phát triển nhà ở xã hội, mỗi người một ít sẽ tạo một nguồn lực đáng kể trong xã hội.
Tuy nhiên, ông Châu không tán đồng với việc gửi tiết kiệm tới vài triệu đồng hàng tháng.
“Mức gửi hàng tháng bằng mức trả nợ hàng tháng, tức với căn hộ khoảng 1 tỷ đồng thì mức vay và trả nợ dao động 4-5 triệu đồng/tháng, mức gửi này quá cao đối với người thu nhập thấp. Hiệp hội đề nghị mức thống nhất trong phạm vi toàn quốc, tốt nhất chỉ khoảng 500.000 đồng/tháng là hợp lý, ai cũng như ai không phân biệt người mua nhà trên 1 tỷ hay dưới 1 tỷ đồng. Còn góp vài triệu mỗi tháng là bất hợp lý”, ông Châu đề xuất.
Dư luận có ý kiến cho rằng, quy định phải gửi tiết kiệm như “giấy phép con” với người mua nhà ở xã hội theo vị Chủ tịch Hiệp hội là hiểu không đúng và không đủ. Theo ông Châu, quy định này ở nhiều nước đều thực hiện và thông thường ở các nước, việc người dân tham gia chương trình tiết kiệm dài hạn trên 10 năm mới được mua nhà ở xã hội như mong muốn.
Thực tế hiện nay có dự án nhà ở xã hội đã xây dựng xong phần thô nhưng người mua nhà chưa được vay ưu đãi nên vẫn chờ, điều này tạo áp lực lớn đối với chủ đầu tư khi vẫn phải triển khai để đảm bảo tiến độ.
Nhiều chủ đầu tư mong muốn chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội sớm được triển khai hợp lý để người dân có thể mua được nhà sau ngày 15/8 như hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, hiện nhu cầu nhà ở xã hội tới 10 triệu m2 nhưng vài năm nay chúng ta mới đáp ứng được khoảng 3 triệu m2, tức là còn khoảng 7 triệu m2 nữa chưa đáp ứng.
Vậy có nên làm khó người dân vay mua nhà xã hội?!