Đen đỏ với thị trường chứng khoán

redbag
18/06/2023

Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC) – chuyên khai thác thương mại thị trường châu Á – được coi là công ty cổ phần đầu tiên trong lịch sử kinh tế hiện đại.

Được thành lập vào đầu thế kỷ 17 với phương thức huy động vốn theo kiểu phân quyền sở hữu, VOC đã tạo ra khái niệm mà nhờ đó chủ nghĩa tư bản tránh được sự sụp đổ tất yếu khi người công nhân từ chỗ là kẻ bị bóc lột có cơ hội trở thành ông chủ của công ty: cổ phần.

Amsterdam, thủ đô của Hà Lan, nhờ đó trở thành sở giao dịch chứng khoán quốc tế đầu tiên trên thế giới.

Việc sở hữu một phần một công ty lớn thực sự là nỗi thèm khát của nhiều người trên thế giới.

Cổ phiếu – tờ giấy hay một đoạn mã vạch nào đó chứng minh quyền sở hữu một doanh nghiệp – do đó nhanh chóng trở thành thứ được giành giật, mua bán hằng ngày trên một cái chợ có tên là sàn giao dịch chứng khoán. Người mua kẻ bán có thể là những nhà đầu tư sành sỏi, cũng có thể là bà bán trà đá đầu ngõ.

Đen đỏ với thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán Việt Nam manh nha bùng nổ từ năm 2006 với những câu chuyện thú vị. Như có thời điểm, sau chương trình thời sự 19h tối, trong khung giờ vàng, nhà đài phát một chương trình ngắn phổ cập kiến thức cơ bản về thị trường chứng khoán, cổ phiếu, cổ phần… cho toàn dân, người dẫn dắt chương trình là các… danh hài truyền hình.

Đầu năm, 2007 khi chỉ số VN-Index xấp xỉ 1.000, các tờ báo chuyên ngành kinh tế trong nước đã đồng loạt phê phán các phân tích bi quan và thiếu thực tế của một ngân hàng quốc tế cho rằng VN-Index nên chỉ ở ngưỡng 800 điểm là hợp lý.

Theo các chuyên gia chứng khoán Việt Nam hồi đó, 1.200 điểm là chỉ số thị trường có thể hy vọng trong năm tới.

Năm 2008, VN-Index về dưới… 400 điểm. Trúng “trứng” mua nhà nhanh chóng chuyển sang bán nhà trả nợ tiền mua “trứng”, rồi khi cũng vào thời gian đó bong bóng bất động sản vỡ là bán luôn nhà đang ở để trả nợ.

Đen đỏ với thị trường chứng khoán

Chơi chứng khoán đã nhanh chóng trở thành một kênh đầu tư tài chính then chốt, bên cạnh các kênh truyền thống như vàng, USD, bất động sản và mới mẻ hơn như tiền ảo, Vietlott, cược 1 ăn 70…

Tỉ lệ người dân có tài khoản ở sở giao dịch chứng khoán ở Việt Nam đang là 4% dân số (ở các quốc gia có lịch sử giao dịch chứng khoán lâu đời hơn, tỉ lệ này là trên 10%, như Mỹ là đến 20%).

Nói theo từ ngữ chuyên môn, dư địa phát triển của thị trường chứng khoán ở Việt Nam là mênh mông. Và thực tế, phong trào thắp nến soi “trứng” đã lây lan đến khắp chốn công sở, văn phòng, song song với cơn sốt săn lùng đất đồi, nhà vườn.

Vốn tham gia chơi chứng khoán không cao, tính thanh khoản nhanh, nên dù tỉ lệ thành công trung bình lạc quan của nhà đầu tư là khoảng 20% (tức 10 người chơi thì… 8 người lỗ), nhưng về dài hạn đó có thể là một kênh đầu tư tốt, được ưu tiên của những người có tiền nhàn rỗi.

Ảnh: The New York Times

4% dân số tương đương với khoảng 4 triệu nhà đầu tư, trong đó số nhà đầu tư mới riêng năm 2021 là gần 1,3 triệu. Bao nhiêu trong số đó biết đến công ty mà mình sở hữu làm ăn ở ngành nghề gì, báo cáo tài chính 3 năm trở lại đây sáng sủa hay u ám, đội ngũ quản trị là những ai…?

Bằng cách nào mà một nhà đầu tư bình dân như một nhân viên văn phòng có thể quyết định mua mã nào bán mã nào, khi mà thông tin và xu hướng thị trường được quyết định bởi những “đội lái” và tình hình lên xuống nhiều khi không liên quan mấy đến sức khỏe của doanh nghiệp.

Sự lũng đoạn trong một thời gian dài của các “đội lái FLC” bị phanh phui gần đây là minh chứng cho sự bất tường của thị trường chứng khoán Việt Nam, cộng với tâm lý phải đầu tư tài chính thì mới mong giàu của nhiều người có tiền nhàn rỗi khiến việc đầu tư chứng khoán mang màu sắc cờ gian bạc lận hơn là sự cân nhắc có tính toán.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trình độ và quy mô của thị trường mới nổi giai đoạn đầu, theo xếp hạng của các tổ chức tài chính quốc tế. Vậy mà quy mô vốn hóa đến cuối năm 2021 có lúc lên đến 115% GDP, ở ngưỡng vượt quá giá trị thực tế, chỉ số VN-Index lên đến 1.500 điểm.

Theo lý thuyết, nó phản ánh kỳ vọng tích cực của giới đầu tư vào sức khỏe của nền kinh tế và sự sôi động của thị trường thứ cấp – nơi cổ phiếu được mua đi bán lại – sẽ thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp – nơi diễn ra các hoạt động IPO và phát hành thêm cổ phiếu của doanh nghiệp.

Mục tiêu 10% dân số tham gia thị trường – tức khoảng thêm 6 triệu nhà đầu tư sẽ mở tài khoản, một số lượng khổng lồ những người chơi mới – đồng nghĩa với một thị trường to lớn cho các hoạt động thao túng làm giá để người chơi trả học phí trước khi trở thành nhà đầu tư có kiến thức.

Nghịch lý thị trường sẽ là VN-Index có cơ hội tăng nữa, nhưng chất lượng cổ phiếu, tính minh bạch của thị trường không tăng tương xứng. Nó xuất phát từ một cơ hội kinh doanh béo bở: học phí của những nhà đầu tư mới.

Những hành vi thao túng, trục lợi dần dà sẽ tinh vi, khó đoán hơn và đương nhiên, trong 3-4 triệu tay chơi mới vào, hơn 90% sẽ chỉ nhận ra khi đã mất tiền!

Đấy là bản chất của thị trường chứng khoán ở giai đoạn sơ khởi mà quốc gia nào cũng trải qua, chứ không riêng Việt Nam.

Có thể ở Việt Nam nghiêm trọng hơn một chút vì lực đẩy hỗ trợ là khá phong phú – từ các ngành “công nghiệp không khói” khác như vé số, lô đề. Việc tiền nhàn rỗi được hút vào thị trường chứng khoán là một chỉ dấu tốt cho nền kinh tế.

Nhưng tiền đấy sẽ chảy vào túi ai là vấn đề mà cơ quan kiểm soát cao nhất – Ủy ban Chứng khoán nhà nước – phải có những động thái đi trước để ngăn chặn giới đầu cơ.

Mục đích là để tránh tình trạng như mấy năm qua: biên độ tăng giảm của đỉnh và đáy được nhào nặn để những con bạc khát nước lao vào. Pháp luật trong trường hợp này phải là những quy định hợp lý và được thực thi, kiểm soát bởi những con người có đủ năng lực, liêm chính và cả dũng khí.

Việc tiến hành điều tra hành vi thao túng giá cổ phiếu FLC có thể là cột mốc mới giúp thị trường chứng khoán minh bạch và công bằng hơn để từ đó hấp dẫn dòng vốn quốc tế.

Không còn là những lời đồn đoán, cơ quan chức năng đã chính thức điều tra ông chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Đây là một trong số ít các vụ nghi ngờ vi phạm giao dịch chứng khoán bị xử lý hình sự bởi trước giờ các vụ việc chỉ dừng lại ở phạt tiền hay khóa tài khoản.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, chỉ trong thời gian ngắn đầu năm, ông Quyết đã chỉ đạo nhiều người cùng tham gia “thổi giá” cổ phiếu của chính tập đoàn mình lên mức cao bất thường để thu hút nhà đầu tư rồi bất ngờ “đánh úp” họ bằng hành vi bán chui số cổ phiếu đã được mua rẻ từ trước để hưởng lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên ông Quyết và các công ty chân rết của FLC có hành vi thao túng giá cổ phiếu và bị xử phạt. Năm 2017, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã xử phạt Công ty xây dựng FLC Faros do bán chui gần 14 triệu cổ phần AMD (công ty con của Tập đoàn FLC) nhưng không công bố.

Cũng năm đó, ông Quyết bán chui 57 triệu cổ phần FLC. Có thể thấy đó là những hoạt động kéo dài, có tính hệ thống, gây bức xúc dư luận và để lại thiệt hại rất lớn cho giới đầu tư, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh chứng khoán Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Sự kiện FLC, tuy vậy, có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hiện trạng thị trường vẫn tràn ngập các vi phạm về công bố thông tin, giao dịch nội gián, sai lệch báo cáo tài chính hay bán chui, thao túng giá cổ phiếu. Sự lên xuống của thị trường chủ yếu nằm trong tay số ít các “cá mập” chứng khoán, các “đội lái” hay cổ đông nội bộ vốn có ưu thế về sở hữu thông tin.

Một câu chuyện được ngầm hiểu là phổ biến trên thị trường là đội ngũ phân tích của các công ty chứng khoán hàng đầu, giám đốc đầu tư của các quỹ lớn thường có mối quan hệ mật thiết với trưởng bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) của các doanh nghiệp niêm yết. Thông qua đó, trong không ít trường hợp, các nhà phân tích này sớm biết được thông tin trọng yếu của doanh nghiệp trước khi công bố rộng rãi.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), vi phạm có hệ thống của FLC là điển hình cho một thực trạng đáng quan ngại. Thực tế thì các năm gần đây, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, tình trạng bán chui cổ phiếu của thành viên hội đồng quản trị, ban điều hành, cổ đông lớn ngày càng phát triển công khai tới mức trắng trợn, đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính.

Đã có một số trường hợp bán chui cổ phiếu xảy ra ở những người liên quan đến nội bộ với số lượng cổ phiếu nhỏ, chỉ vài lệnh là xong. Những trường hợp này có thể do sơ suất vì chưa am hiểu pháp luật.

“Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, bán chui cổ phiếu dễn ra với cả những người am hiểu luật lệ, với số lượng lớn, giá trị hàng trăm tỉ, hàng nghìn lệnh, thì không thể nói là do vô tình hay sơ suất mà phải là cố tình bán chui để trục lợi trên lưng hàng trăm nghìn nhà đầu tư khác”, VAFI nhận định.

Hỗ trợ cho hành vi thao túng giá cổ phiếu, bán chui, sai lệch báo cáo tài chính… còn có sự giúp sức của các công ty chứng khoán, các đơn vị kế toán – kiểm toán, ngân hàng… do áp lực về doanh số hay các mối quan hệ. Ở đó cũng có phần trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán và các sở giao dịch khi không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Biến cố FLC là cần thiết để giới đầu tư và các cơ quan điều hành đánh giá lại mức độ phát triển của thị trường trong hơn 20 năm qua. Hy vọng từ sự kiện này, dòng vốn chảy trên thị trường sẽ được nắn lại phần nào. Nhóm cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh minh bạch, quy mô lớn, uy tín thực sự sẽ lấy lại được ưu thế trên thị trường.

Thực tế thì hành vi thao túng giá cổ phiếu được xem là một phần của trò chơi chứng khoán ngay từ thuở sơ khai. Chứng khoán là nơi tụ họp ưa thích của thông tin giả (fake news), hành vi bơm giá và bán tháo (pump and dump), hay hành vi bầy đàn (herd trading) khiến nhiều người dễ bị cuốn vào trò tạo xu thế hay làm giá cổ phiếu của một nhóm các nhà đầu cơ.

Không chỉ Việt Nam đau đầu với các giao dịch nội gián, thao túng cổ phiếu, mọi thị trường chứng khoán đều gặp phải những trở ngại này. Vấn đề là các thị trường lớn thường có hệ thống giám sát chặt chẽ và nhanh nhạy với diễn biến khi có nghi vấn. Đồng thời, họ có chế tài xử lý trừng phạt một cách nghiêm khắc hành vi vi phạm ngay cả với những tỉ phú hay doanh nghiệp lớn nhất.

Năm 2018, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) từng xử phạt Elon Musk tội làm sai lệch và gây nhầm lẫn thông báo qua Twitter khi ông nói sẽ đưa Hãng xe điện Tesla về làm doanh nghiệp tư nhân ở mức giá cổ phiếu 420 USD. Kết quả là Musk phải đóng phạt 20 triệu USD và từ chức chủ tịch Tesla.

Chứng khoán Việt Nam, vì vậy, cần phải có nhiều biện pháp răn đe quyết liệt hơn để làm trong sạch thị trường, nhất là khi chúng ta đang cần xây dựng hình ảnh của một thị trường chứng khoán minh bạch, công bằng và chuyên nghiệp.

Điều này càng có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đang vươn lên top 2 tại thị trường Đông Nam Á về khối lượng giao dịch và kỳ vọng sẽ được nâng hạng từ thị trường biên lên mới nổi (emerging market) trong thời gian tới.

Trước mắt, cơ quan quản lý cần cải tổ lại toàn bộ các khâu liên quan, từ kiểm tra đánh giá cho phép các doanh nghiệp niêm yết đến giám sát các công ty đại chúng.

Tiếp theo vụ FLC, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, vốn từng giữ chức tổng Kiểm toán Nhà nước, mới đây đã yêu cầu siết chặt hoạt động kiểm toán khi thời gian qua có tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót. Thậm chí, một số trường hợp dù đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của doanh nghiệp kiểm toán nhưng vẫn xuất hiện sai sót.

Đối với các nhà phân tích, chuyên viên môi giới trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, họ cần đề cao đạo đức nghề nghiệp, không vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến tính ổn định của toàn thị trường. Theo ông Nguyễn Duy Hưng của Chứng khoán SSI, ngành tài chính là lĩnh vực nhiều cám dỗ, nhiều cơ hội để trục lợi, nhưng cũng chính vì vậy nên nhiều rủi ro.

Các sản phẩm tài chính trá hình, tình trạng “tổ lái”, sự vi phạm quy định về giao dịch, tín dụng, thế chấp… hiện vẫn ở tình trạng chỉ là một cái tặc lưỡi nếu lợi ích đủ lớn. “Nếu tất cả chúng ta, những người làm trong ngành này, nói không với vượt rào, tuân thủ các quy định thì mới có được sự cạnh tranh lành mạnh. Người lao động hãy vì an toàn cho chính mình thì ngay cả các ông chủ muốn làm sai cũng chẳng làm được”, ông Hưng chia sẻ.

Từ sự cố FLC, các nhà đầu tư cũng có thêm kinh nghiệm, góc nhìn và kiến thức đầu tư để lựa chọn nhóm mã đáng tin tưởng. Thực tế, cách tốt nhất để bảo vệ mình khỏi sự thao túng thị trường là tập trung phân tích triển vọng của doanh nghiệp trong dài hạn, đồng thời hiểu được bản chất của các kiểu thao túng cổ phiếu, sẽ cho phép nhà đầu tư cá nhân đưa ra quyết định tốt hơn.

“Thứ hàng hóa giá trị nhất tôi biết là thông tin”, đó là câu nói được nhiều người nhớ của Gordon Gekko (do Michael Douglas thủ vai) – nhà môi giới chứng khoán trong bộ phim năm 1987 Phố Wall (Wall Street) của đạo diễn người Mỹ Oliver Stone.

Gekko kiếm được hàng triệu USD nhờ có được thông tin nội bộ bí mật của nhiều doanh nghiệp. Cuối phim, gã môi giới giàu có nhưng tham lam, tàn nhẫn này bị kết án giao dịch nội gián và phải “bóc lịch”.

Bộ phim đã đề cập một vấn đề nổi cộm đe dọa sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán là giao dịch nội gián, nhưng các tiêu cực ở thị trường này không dừng ở đó.

Giao dịch nội gián (tiếng Anh là “insider trading”) là các giao dịch về chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu của người/tổ chức nắm được thông tin nội bộ công ty mà các nhà đầu tư khác không biết và được hưởng lợi từ giao dịch đó.

Các giao dịch nội gián bị coi là phi pháp tại Mỹ từ năm 1934, sau khi nước này thông qua Đạo luật giao dịch chứng khoán nhằm ngăn chặn những hành vi thao túng thị trường tài chính, trong đó có giao dịch nội gián. Song bất chấp luật pháp lẫn hình phạt, dạng thức thao túng thị trường này vẫn rất phổ biến và ngày càng tinh vi hơn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra giao dịch nội gián diễn ra nhiều, mang lại lợi nhuận lớn cho các đối tượng liên quan và rất khó để phanh phui cũng như ngăn chặn.

Chẳng hạn, theo nghiên cứu công bố tháng 9-2021 của nhóm tác giả thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS) của Úc và Trường Kinh tế Stockholm (Thụy Điển), chỉ khoảng 15% số vụ giao dịch nội gián ở Mỹ bị phát hiện và truy tố.

“Chúng tôi ước tính mức độ phổ biến thực sự của giao dịch nội gián phi pháp ít nhất gấp 4 lần so với số vụ bị truy tố” – tóm tắt nghiên cứu nêu, đồng thời cho biết họ ước tính hành vi này xảy ra trong khoảng 1/5 các vụ sáp nhập hay thâu tóm công ty và 1/20 các báo cáo thu nhập của doanh nghiệp Mỹ.

Một trong những ví dụ nổi tiếng là vụ nữ doanh nhân Martha Stewart bị kết án năm 2004 vì bán cổ phiếu sau khi được tiết lộ thông tin phi pháp từ một nhà môi giới. Hay vụ việc chấn động năm 2016 liên quan đến tỉ phú Steven Cohen và quỹ phòng hộ nay đã phá sản SAC Capital Advisors của ông.

Quỹ SAC Capital Advisors đã phải bồi thường 135 triệu USD trong vụ kiện liên quan tới các cáo buộc giao dịch nội gián vào năm 2014. Hoặc năm 2020, cựu dân biểu Mỹ Chris Collins bị tuyên 26 tháng tù vì tiết lộ thông tin mật giúp con trai ông thực hiện giao dịch nội gián và sau đó còn nói dối Cục Điều tra liên bang (FBI).

Gần đây hơn, hai quan chức Cục Dự trữ liên bang (FED), Eric Rosengren – chủ tịch FED Boston và Robert Kaplan – chủ tịch FED Dallas, đã từ chức trong tháng 9-2021 sau khi bị phanh phui các giao dịch tài chính quy mô lớn đáng ngờ năm 2020.

Sự việc gây bức xúc dư luận bởi các giao dịch chứng khoán của hai ông sếp lớn này diễn ra cùng thời điểm FED đang “bơm” hàng ngàn tỉ USD để ổn định thị trường tài chính và vực dậy nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Tương tự, từ cuối năm ngoái đến nay, các điều tra viên của Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) vẫn đang điều tra các giao dịch chứng khoán thực hiện trong tháng 2-2020 của thượng nghị sĩ Richard Burr và em vợ do những cáo buộc liên quan giao dịch nội gián.

Hai chiêu thức thao túng thị trường chứng khoán khác nữa cũng thường được sử dụng là thao túng bằng giao dịch và tung tin thất thiệt.

Việc dùng giao dịch thao túng để “làm giá” hay tạo ra “ảo giác thị trường” về số lượng giao dịch liên quan đến một cổ phiếu cụ thể cũng hết sức phổ biến. Việc mua cổ phiếu chỉ với mục đích đẩy giá lên là phi pháp. Việc bán khống cổ phiếu (short selling) để thao túng giá cũng vậy.

Những cách thức thao túng thị trường phi pháp này có thể bao gồm nhiều hành động như mua dồn dập cổ phiếu để tạo áp lực tăng giá, buộc những người bán khống phải “bán non” để cắt lỗ, hay chủ ý mua các cổ phiếu chỉ để nhắm tới các nhà giao dịch nhất định.

Nó cũng gồm cả các âm mưu “bơm và xả” (pump and dump) của một nhóm nào đó, thường sẽ kèm với việc tung tin giả hòng đẩy hoặc kéo giá cổ phiếu, thu hút các nhà đầu tư mới nhảy vào, sau đó “bơm xả” rút ra với lợi nhuận kiếm được.

Cũng như giao dịch nội gián, hành vi thao túng bằng giao dịch rất khó chứng minh. Không dễ phân biệt đâu là các giao dịch thực sự và đâu là giao dịch thao túng. Điều này đặc biệt khó nếu vụ việc liên quan tới một loạt giao dịch nhỏ chứ không phải một giao dịch “khủng” và chứng khoán vẫn giữ được mức thanh khoản đủ chấp nhận.

Thủ đoạn thao túng bằng thông tin được xác định khi một người đưa ra những tuyên bố sai lạc hay lừa dối có tác động tới giá cả thị trường cổ phiếu hoặc là nguyên nhân thúc đẩy một người có quyết định mua/bán chứng khoán. Dù những tuyên bố này đến từ người trong nội bộ công ty hay các nhà đầu tư nghiệp dư, chúng đều bị coi là phi pháp.

Nhà quản lý sẽ phải chứng minh nhiều vấn đề nếu họ muốn buộc tội ai đó thao túng bằng thông tin. Chẳng hạn, họ sẽ phải chứng minh được những tuyên bố đó là sai, người đưa ra thông tin biết là nó sai, đồng thời thông tin sai đã gây hậu quả liên quan tới sự thay đổi giá và giao dịch chứng khoán.

Trong tình huống này, việc cáo buộc sẽ đơn giản hơn nếu thông tin phát đi từ một nguồn có uy tín, nhưng sẽ rất khó khăn nếu nó xuất phát từ mạng xã hội – và đây là chuyện phổ biến hiện nay, không chỉ ở Mỹ, khi mạng xã hội tràn ngập các nhóm kín “phím” tin tức cho giới đầu tư.

SEC hiện vẫn đang điều tra các “tút” đăng trên mạng xã hội của nhà đầu tư Keith Gill liên quan cáo buộc thao túng thị trường với giá cổ phiếu Công ty trò chơi điện tử GameStop. Dù là một chuyên gia môi giới chứng khoán có chứng chỉ hành nghề nhưng Gill tự giới thiệu mình là nhà đầu tư nghiệp dư khi quảng bá cổ phiếu GameStop trên một loạt mạng xã hội như YouTube, Twitter và Reddit.

Các hành vi thao túng thị trường như vừa nêu, đặc biệt là các giao dịch nội gián, đã gây ra vô số tổn thất cho thị trường chứng khoán, trong đó có tổn thất niềm tin của nhà đầu tư.

Một đặc trưng trọng yếu cho thấy thị trường tài chính hoạt động tốt và lành mạnh là tính thanh khoản cao, có nghĩa việc thực hiện các giao dịch lớn được tiến hành đơn giản với chi phí giao dịch thấp.

Tuy nhiên, giao dịch nội gián gây tác dụng tiêu cực tới tính thanh khoản thị trường và khiến chi phí giao dịch tăng cao, khiến nhiều nhà đầu tư chùn bước. Với những thị trường chứng khoán “phổ cập” như của Mỹ, với khoảng một nửa số hộ gia đình sở hữu chứng khoán trực tiếp hoặc gián tiếp, hành vi giao dịch nội gián gây tổn thất rất nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, giao dịch nội gián cũng sẽ khiến các công ty tốn kém hơn khi phát hành cổ phiếu và trái phiếu.

Vì nếu giới đầu tư cho rằng những người “tay trong” có thể giao dịch chứng khoán của một công ty theo cách không công bằng, họ sẽ yêu cầu mức lợi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro và bất lợi, như thế sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Hệ lụy tiếp theo là công ty đó sẽ có ít tiền hơn để thuê thêm nhân sự hay đầu tư nhà máy mới.

Ở phạm vi ảnh hưởng lớn hơn, các chiêu trò thao túng làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư với thị trường tài chính. Nếu tái diễn nhiều lần, nó sẽ gây khủng hoảng tâm lý cho số đông nhà đầu tư – những người cho rằng họ đang phải gánh thêm rủi ro phi lý vì lợi ích của một nhóm thao túng nhỏ.