Tăng trưởng xuất khẩu dệt may trong năm 2016 của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể nhờ lực cầu hồi phục và hội nhập FTA.

redbag
19/06/2023

Các thị trường chủ lực của dệt may là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, cùng với đó, việc các Hiệp định Thương mại tự do có hiệu lực từ năm 2016 (FTA Việt Nam – EAEU, FTA Việt Nam – Hàn Quốc) cũng sẽ là động lực thúc đẩy.

Xét nhóm doanh nghiệp dệt may niêm yết trên toàn cầu theo thống kê của Bloomberg có mức vốn hóa dao động trong khoảng +/-5% so với các cổ phiếu dệt may đang niêm yết là TCM, TNG và STK, các cổ phiếu này vẫn đang ở mức định giá hấp dẫn khi dệt may Việt Nam đang bắt đầu được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại.

Tăng trưởng xuất khẩu dệt may trong năm 2016 của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể nhờ lực cầu hồi phục và hội nhập FTA.

CTCP Đầu tư và Thương mại (TNG) hiện sở hữu 10 chi nhánh may, mỗi năm sản xuất khoảng 12 triệu sản phẩm áo khoác và 9 triệu sản phẩm quần Chino, chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, Canada và Mexico (chiếm 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của TNG). Tháng 02/2015, nhà máy Đại Từ với công suất thiết kế 35 chuyền may đi vào sản xuất giúp TNG tăng công suất thêm 1 triệu sản phẩm/năm. Tháng 08/2015, TNG cũng nâng thêm một dây chuyền sản xuất bông tấm, nâng công suất thiết kế gấp 3 hiện tại, chủ yếu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp (80%), còn lại bán bông ra thị trường.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất TNG đang phải đối mặt là sự mất cân đối về vốn. Tại thời điểm quý 3/2015, TNG đang có khoản nợ ngắn hạn lớn, 937 tỷ đồng, trong đó 736.6 tỷ là vay ngắn hạn. Tỷ lệ thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/nợ ngân hàng) của công ty lại ở mức thấp, chỉ bằng 0,77.

Đối với CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM), một DN được nhiều nhà đầu tư chú ý trong suốt năm 2015 vừa qua với kỳ vọng từ TPP, hiện TCM sở hữu chuỗi sản xuất khép kín từ sợi, vải, và may. Chuỗi sản xuất này đảm bảo đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại.

Thị trường xuất khẩu chính của TCM là Mỹ (30%), Nhật Bản (35%) và Hàn Quốc (20%). Trong 2015, TCM đưa vào hoạt động nhà máy may số 1 tại Vĩnh Long, tăng công suất thiết kế của nhà máy may lên 21,1 triệu sản phẩm/năm.

TCM dự kiến sẽ hoạt động nhà máy may 2 (6,1 triệu sp/năm), nhà máy đan, nhuộm mở rộng trong trường hợp các nhà máy hiện tại không đáp ứng đủ đơn hàng.

Như vậy, tiềm năng tăng trưởng của TCM còn khá lớn, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu nhất là trong giai đoạn đơn hàng gia tăng khi các FTA lần lượt có hiệu lực. Hiện tại, doanh  thu thuần của TCM có 40% đến từ sợi, 50% từ may và 10% từ vải, và có xu hướng đổi tăng dần tỷ trọng doanh thu từ vải và may lên, giảm tỷ trọng sợi có biên lợi nhuận gộp thấp hơn.

Doanh nghiệp dệt may mới lên sàn trong năm 2015 vừa qua là CTCP Sợi Thế Kỷ (STK). Các sản phẩm của STK là sợi POY, sợi DTY và sợi FDY. Trong đó sợi DTY chiếm 92% doanh thu thuần.

STK là một trong hai công ty lớn nhất sản xuất sợi DTY chất lượng cao và là một trong năm công ty sản xuất sợi DTY ở Việt Nam. 70% sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan,… còn lại được tiêu thụ trong nước.

Trong tháng 9/2015, STK đưa nhà máy Tràng Bảng 3 vào hoạt động, nâng tổng công suất thiết kế từ 32,000 tấn DTY/năm và 5.000 tấn FDY/năm lên 52.000 tấn DTY và FDY/năm.

Dự kiến quý 4/2016 hoặc đầu năm 2017 STK sẽ hoạt động nhà máy Tràng Bảng 4, với công suất thiết kế 3.000 tấn DTY, 6.000 tấn POY và 4.000 tấn FDY để phục vụ sản xuất, giúp công suất thiết kế tăng 62% so với thời điểm chưa hoạt động Tràng Bảng 3 và 4.

Khánh Phương
Theo Tài chính Plus