Sự xuất hiện của đồng tiền kỹ thuật số Libra và kiến nghị với Việt Nam
19/06/2023
LTS: TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nghiên cứu về đồng tiền kỹ thuật số Libra của Facebook và đưa ra các kiến nghị đối với Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải nguyên văn báo cáo để quý độc giả cùng theo dõi
Đồng tiền kỹ thật số Libra là gì?
Được giới thiệu ngày 18/6/2019 bởi Facebook và 27 tổ chức đồng sáng lập khác, Libra là tên gọi của một đồng tiền kỹ thuật số, dự kiến được tạo ra từ khối chuỗi (blockchain), được cho là có mức độ biến động thấp, độ an toàn cao hơn so với các đồng tiền kỹ thuật số hiện nay (như Bitcoin, Etherum…), ra đời với mục đích tạo ra một hạ tầng tài chính và tiền tệ toàn cầu đơn giản, dễ tiếp cận và dễ sử dụng cho hàng tỷ người.
Theo Sách trắng về Libra (gọi tắt là Sách trắng), dự án này hướng đến việc tạo ra một hệ thống tài chính toàn diện hơn, với mục tiêu ban đầu là giải quyết nhu cầu của những cá nhân (được đánh giá là nghèo hơn nhưng lại đang phải chi trả nhiều hơn cho các dịch vụ tài chính và khoảng 1,7 tỷ người trưởng thành trên toàn cầu hiện không được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống, cũng như những người đang và sẽ dùng facebook) và một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia kinh doanh, quảng cáo trên facebook. Như vậy, có thể hình dung, nếu được cộng đồng và các nhà quản lý chấp nhận, số lượng khách hàng sử dụng đồng tiền này để giao dịch thanh toán (và có thể nhiều mục đích khác) trên toàn cầu có thể lên đến trên 2 tỷ người!
Libra có 3 đặc điểm quan trọng: (i) Được tạo ra trên nền tảng một chuỗi khối có phân quyền (“permissioned”, nghĩa là chỉ những tổ chức được ủy thác mới có thể theo dõi được chuỗi khối/sổ cái này); theo đó, các giao dịch thanh toán bằng đồng Libra sẽ được lưu trữ trên khối chuỗi này (“Libra Blockchain”); vì thế được cho là an toàn, có thể mở rộng và đáng tin cậy hơn các đồng tiền kỹ thuật số thông thường khác; (ii) Được đảm bảo (hay neo) bởi một số tài sản ít biến động như chứng chỉ tiền gửi, chứng khoán chính phủ …; và (iii) Được quản lý bởi Hiệp hội Libra độc lập có nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái thanh toán và tách biệt hoạt động đăng tin trên facebook thông thường với các giao dịch thanh toán bằng đồng Libra này.
Hiện nay có tất cả là 28 thành viên (kể cả Facebook) và mỗi thành viên góp vốn ban đầu là 10 triệu USD, với quyền biểu quyết tương ứng, và nhận “cổ tức” dưới dạng tiền lãi kiếm được từ hoạt động mua-bán Libra và tiền lãi (sau khi đã trừ đi chi phí hoạt động). Trong số 28 thành viên sáng lập này có cả những tổ chức tên tuổi như Visa, Mastercard, Paypal…v.v.).
Cơ chế hoạt động của Libra: khách hàng dùng nội tệ (hoặc ngoại tệ mạnh như USD, EUR, GBP, JPY…) mua Libra, rồi dùng số Libra đó để trả tiền mua hàng hóa/dịch vụ (chủ yếu online); số Libra còn thừa có thể được đổi lại bằng một trong số tiền tệ mạnh. Các giao dịch này được thực hiện trên nền tảng chuỗi khối Libra, với tốc độ rất nhanh (1000 giao dịch/giây so với 7 giao dịch/giây của Bitcoin, theo Facebook). Các Libra được lưu trữ trên ví điện tử Calibra (công ty con của Facebook). Ví Calibra này còn có chức năng tách biệt thông tin, dữ liệu giao dịch thanh toán bằng đồng Libra với dữ liệu thông thường của Facebook, cũng được cho là một tấm đệm khác cho tính thừa nhận.
Khác biệt giữa Libra và các đồng tiền kỹ thuật số khác
Có thể xem xét sự khác biệt này trên 3 phương diện: giá trị và chi phí giao dịch, mức độ biến động/rủi ro, và sự thừa nhận.
– Về giá trị và chi phí giao dịch
Giá trị của đồng Libra được đảm bảo bởi các tài sản thực như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu hay tín phiếu chính phủ, được giữ trong Kho dự trữ Libra (The Libra Reserve), nhằm tạo dựng niềm tin về giá trị nội tại của đồng Libra. Kho dự trữ Libra sẽ được điều hành với mục tiêu bảo toàn giá trị đồng Libra qua thời gian. Theo đó, do được neo với những tài sản thực bằng nhiều loại tiền khác nhau (USD, EUR, GBP, JPY…), nên mỗi khi đồng tiền nào có biến động mạnh, Hiệp hội Libra sẽ thay đổi cơ cấu rổ tiền này để đảm bảo tổng giá trị ít thay đổi, và vì thế, đồng Libra ít biến động hơn.
Bên cạnh đó, đồng Libra được tạo ra hướng đến trở thành một phương tiện trao đổi, để người dùng có thể dễ dàng gửi và nhận tiền. Trong khi đó, nhiều người vẫn gọi Bitcoin là “vàng kỹ thuật số” và đồng Bitcoin – mặc dù luôn cố gắng để trở thành một nền tảng thuận lợi cho giao dịch – hiện được coi là một khoản đầu tư hay đầu cơ nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có thông tin để kết luận rằng đồng Libra có giá trị thực hay không có giá trị thực, do Facebook và 27 thành viên sáng lập chưa công bố thông tin về cơ chế tạo ra đồng Libra như thế nào.
Có nhiều so sánh về chi phí giao dịch của đồng Libra và các đồng tiền kỹ thuật số khác. Theo Mark Zuckerberg (Facebook), phí giao dịch đồng Libra sẽ rất thấp hoặc ở mức gần như bằng 0. Trong khi đó, mức phí giao dịch các đồng tiền kỹ thuật số hiện nay dao động khá mạnh, tùy thuộc vào sàn, loại tài khoản và thời điểm giao dịch (chẳng hạn phí giao dịch đồng Bitcoin dao động từ 0,1-50 USD/giao dịch tùy thời điểm). Đến nay, chưa rõ chi phí giao dịch thực của Libra là bao nhiêu, nhưng với mục tiêu thúc đẩy tài chính toàn diện, nhiều khả năng cao chi phí giao dịch Libra sẽ thấp hơn chi phí sử dụng các loại thẻ, thanh toán qua ngân hàng hay đồng tiền kỹ thuật số khác.
– Về mức độ biến động/rủi ro
Theo Sách trắng, Libra được thiết kế để trở thành một loại tiền kỹ thuật số ổn định. Có tài sản đảm bảo thực cho đồng Libra như nêu trên chính là một điểm khác biệt cơ bản giữa nó với các loại tiền kỹ thuật số khác vốn không thực sự có giá trị nội tại và đi kèm là sự biến động giá trị rất mạnh dựa theo kỳ vọng, thu hút những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn. Đồng thời, với cơ chế vận hành của rổ tài sản dự trữ nêu trên, Libra được cho là ít biến động hơn nhiều so với các đồng tiền kỹ thuật số khác.
– Về sự thừa nhận
Theo Sách trắng, các loại tiền kỹ thuật số dựa trên hệ thống chuỗi khối hiện tại vẫn chưa đạt được sự thừa nhận chính thống (mainstream adoption) hay nói cách khác, chưa được sử dụng rộng rãi do chúng có sự biến động quá lớn về giá, trong khi khả năng mở rộng số lượng giao dịch còn hạn chế. Cách tiếp cận của Facebook và thành viên sáng lập là hợp tác với các nhà quản lý, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, để đảm bảo tính bền vững, an toàn và đáng tin cậy cho hệ thống mới của họ.
Theo đó, Hiệp hội Libra ra đời theo hình thức một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, nhằm mục đích điều phối và cung cấp một khung quản trị cho mạng lưới, kho dự trữ và dẫn dắt các hoạt động tài trợ xã hội. Đến nay, Hiệp hội này gồm Facebook và 27 thành viên khác, là những tên tuổi uy tín, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm: Thanh toán (Mastercard, PayPal, PayU, Stripe, Visa); Công nghệ và thị trường (Booking Holdings, eBay, Facebook, Farfetch, Lyft, MercadoPago, Spotify AB, Uber Technologies, Inc.); Viễn thông (Iliad, Vodafone Group); Khối chuỗi (Anchorage, Bison Trails, Coinbase, Inc., Xapo Holdings Limited); Đầu tư mạo hiểm (Andreessen Horowitz, Breakthrough Initiatives, Ribbit Capital, Thrive Capital, Union Square Ventures); Các tổ chức phi lợi nhuận và đa phương, các tổ chức học thuật (Creative Destruction Lab, Kiva, Mercy Corps, Women’s World Banking).
Số lượng thành viên của Hiệp hội Libra được kỳ vọng sẽ mở rộng đến khoảng 100 thành viên khi Libra chính thức ra mắt, dự kiến trong nửa đầu năm 2020. Việc có những “thành viên sáng lập” là những tên tuổi hàng đầu và những “gã khổng lồ” trong mỗi lĩnh vực là một sự hẫu thuận vững chắc, gia tăng khả năng đồng Libra được thừa nhận và có thể trở thành một phương tiện giao dịch, trao đổi phổ biến. Trong đó, Facebook sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt và dẫn dắt trong Hiệp hội Libra và chuỗi khối Libra cho đến ít nhất là hết năm 2019. Ngoài ra, việc Calibra được tạo lập nhằm tách biệt thông tin, dữ liệu giao dịch thanh toán bằng đồng Libra với dữ liệu thông thường của Facebook, cũng được cho là một tấm đệm khác cho tính thừa nhận.
Triển vọng đồng Libra trong tương lai
Mặc dù về mặt ý tưởng, đồng Libra đang cố gắng giải quyết các vấn đề của các đồng tiền kỹ thuật số trước đây, song về mặt kỹ thuật, đồng Libra chưa thực sự có quá nhiều điểm nổi bật và dự kiến sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến Libra nhận được nhiều sự quan tâm chính là vì triển vọng trở thành một phương tiện thanh toán xuyên biên giới khởi nguồn từ mạng lưới người dùng Facebook hiện nay và các dịch vụ đi kèm của các thành viên sáng lập ban đầu. Facebook hiện có 2,4 tỷ người dùng, gấp gần 70 lần số người hiện đang có ví tiền mã hóa (35 triệu, theo Statista). Trong số 2,4 tỷ người này bao gồm cả những người đã có hoặc chưa có tài khoản ngân hàng. Nhưng nếu cộng số người dùng facebook và những người không dùng facebook, chưa có tài khoản ngân hàng, và nếu được cộng đồng, nhà quản lý chấp nhận, số người dùng đồng Libra sẽ ít nhất là trên 2,4 tỷ người trong tương lai.
Ngoài ra, trước mắt, Libra sẽ chủ yếu hướng đến phân khúc khách hàng cá nhân, đặc biệt là nền tảng khách hàng của các thành viên sáng lập, song cũng không có gì đảm bảo Libra không thể cạnh tranh với SWIFT, hay Western Union, MoneyGram trong việc trở thành trung gian giữa các tổ chức tài chính, một khi nó chứng minh được tính thuận tiện, an toàn, bảo mật và mức chi phí thấp hơn.
Bên cạnh đó, Facebook cũng mong muốn xây dựng một hệ sinh thái, trong đó, chuỗi khối Libra trở thành nền tảng cho các ứng dụng khác bởi đây là chuỗi khối có mã nguồn mở, bất kỳ nhà phát triển nào cũng có thể xây dựng các ứng dụng hoạt động với nó bằng ngôn ngữ mã hóa Move. Khi đó, sẽ có một số đối tượng khách hàng khác như doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp thương mại điện tử….có thể tham gia.
Một số khó khăn và rủi ro chính
Có thể tóm lược có 4 khó khăn, rủi ro chính đối với việc phát triển của Libra.
– Việc mở rộng Hiệp hội Libra không hề đơn giản
Trong giai đoạn đầu phát triển, khối chuỗi Libra vẫn ở dạng khối chuỗi có phân quyền (permissioned), do đó, chỉ các thành viên đáp ứng được yêu cầu nhất định mới được chấp nhận vào Hiệp hội Libra. Để tham gia Hiệp hội, bên cạnh khoản 10 triệu USD vốn góp ban đầu, các thành viên cần một giàn máy chủ, kết nối Internet chuyên dụng với tốc độ từ 100Mbps trở lên, một chuyên gia/kỹ sư tin cậy làm việc toàn thời gian, có mức độ bảo mật cấp doanh nghiệp trở lên. Các doanh nghiệp phải đạt 2 trong 3 ngưỡng: (i) giá trị thị trường 1 tỷ USD hoặc số dư tài khoản của khách hàng đạt 500 triệu USD, (ii) tiếp cận 20 triệu người dùng mỗi năm và/hoặc (iii) được công nhận là một trong 100 doanh nghiệp đầu ngành bởi Interband Global hoặc S&P 500; cũng như đáp ứng một số điều kiện khác. Tóm lại, tiêu chí để trở thành một nút trong mạng lưới của Libra không đơn giản.
– An toàn, bảo mật vẫn là dấu hỏi
Nhìn chung Facebook đã thực hiện khá nhiều “động thái” nhằm tạo ra một sự độc lập tương đối giữa hoạt động của Facebook và các vấn đề liên quan đến Libra: (i) thành lập một công ty con Calibra như 1 ví điện tử và nhằm tách dữ liệu thanh toán bằng đồng Libra riêng; (ii) chỉ có một phiếu bầu, tương tự như những thành viên sáng lập khác, đảm bảo quyền bình đẳng và tránh độc quyền thống lĩnh; (iii) cho phép người dùng sử dụng ví Calibra độc lập mà không nhất thiết phải dùng Libra thông qua Facebook, Messenger hay WhatsApp…
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Libra vẫn là ý tưởng và dự án mà Facebook đã khởi động, các đối tác, thành viên sáng lập cũng được tiếp cận và chọn lựa bởi Facebook. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi và tranh cãi xung quanh việc Facebook sẽ kiểm soát như thế nào và ở mức độ nào với Libra?. Nếu kiểm soát quá mức (như tự mình thực hiện việc phê duyệt từng giao dịch và kiểm soát từng người dùng), Libra có thể biến thành một PayPal thứ hai. Ngược lại, nếu không nắm toàn quyền kiểm soát (ví dụ giao công việc này cho một sàn giao dịch), Facebook khó có thể kiếm lợi nhuận hơn và khó kiểm soát các hoạt động phi pháp, rửa tiền; việc giao cho Hiệp hội Libra cũng có rủi ro ở chỗ Hiệp hội này được tạo ra thông qua các sự thỏa hiệp và không có gì đảm bảo sẽ giải quyết được vấn đề tìm kiếm lợi nhuận và ngăn chặn rửa tiền cũng như đạt được sự đồng thuận nhanh chóng, hiệu quả khi vận hành trong tương lai.
Bên cạnh đó, không thể đảm bảo Facebook hay Calibra không có khả năng định danh người dùng hay sử dụng các thông tin trên Facebook, Messenger, WhatsApp… để thiết kế trải nghiệm của người dùng với Libra. Đặc biệt, để sử dụng ví Calibra, người dùng sẽ phải tải các giấy tờ lên ứng dụng như chứng minh thư, thẻ căn cước/hộ chiếu do Chính phủ cấp. Cũng có ý kiến cho rằng, các giao dịch Libra hoàn toàn có thể bị đóng băng nếu như chúng vi phạm luật pháp tại các quốc gia (chẳng hạn như Mỹ – là quốc gia cấp phép cho Calibra). Lo lắng về tính bảo mật thông tin và giao dịch là một lo ngại có cơ sở, nhất là sau hàng loạt các bê bối của Facebook trong vấn đề này. Những lo ngại này có thể sẽ cản trở niềm tin của người dùng vào Libra so với hệ thống thanh toán truyền thống hay qua Fintech, các ví điện tử viễn thông…v.v.
– Rủi ro pháp lý
Ở thời điểm hiện tại, không phải nhiều quốc gia chấp nhận tiền kỹ thuật số như một phương tiện thanh toán hợp pháp; thậm chí, loại tiền này còn bị cấm ở một số quốc gia. Các quy định pháp lý áp dụng cho tiền kỹ thuật số nhìn chung còn chưa đầy đủ, kể cả ở các quốc gia cho phép giao dịch chúng. Ngay từ khi chưa ra mắt, đồng Libra đã vấp phải nhiều sự phản đối từ một số nhà lập pháp và chính trị gia trên thế giới. Ngay sau khi ngày công bố 18/6/2019, Facebook đã bị một số Nghị sĩ Mỹ yêu cầu tạm dừng phát triển hoàn toàn dự án Libra và phải điều trần trước Quốc hội; trong khi Bộ trường Tài chính Pháp cho rằng không thể để Libra trở thành một loại tiền tệ tương tự như tiền tệ do NHTW phát hành. Những lo ngại khác bao gồm việc Facebook có thể trở thành một “ngân hàng ngầm”- shadow bank, nguy cơ về hoạt động rửa tiền, tội phạm…v.v.
Mặc dù đã có bước tiếp cận và làm việc với các NHTW và Chính phủ một số nước, đặc biệt là các quốc gia cho phép giao dịch tiền kỹ thuật số, song chắc chắn Facebook và các thành viên sáng lập còn rất nhiều việc phải làm trước khi đồng Libra và các ứng dụng khác có thể đi vào hoạt động hợp pháp.
– Rủi ro công nghệ thông tin
Đến thời điểm này, cũng không ai có thể đảm bảo rủi ro công nghệ thông tin như sàn giao dịch trục trặc, mất tiền, lừa đảo, bị hackers tấn công…..sẽ không xảy ra. Kinh nghiệm cho thấy một số sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đã gặp phải những rủi ro này. Chắc chắn Facebook và Hiệp hội Libra phải tính đến biện pháp phòng ngừa cũng như nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác của người sử dụng.
Tác động của đồng Libra đối với kinh tế và thị trường tài chính-tiền tệ
Nếu đồng Libra thực sự đi vào hoạt động, sự phát triển của nó cùng hệ sinh thái sẽ có ít nhất 4 tác động lớn đến kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu.
Một là, Libra có thể tác động tới sự vận hành hiệu quả của hệ thống thanh toán và niềm tin của người tiêu dùng. Về cơ bản, sự phát triển tiền kỹ thuật số tạo ra phương tiện, công cụ và đồng tiền thanh toán trên nền tảng công nghệ cao; qua đó góp phần giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính…v.v. Tuy nhiên, ưu điểm này chỉ có thể phát huy nếu tiền kỹ thuật số và công nghệ đi kèm là sản phẩm, dịch vụ đáng tin cậy và được đại đa số người sử dụng chấp nhận. Những thất bại liên quan đến đồng Libra có thể làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng vào các hệ thống thanh toán điện tử nói chung và đồng Libra nói riêng, trong khi khả năng chuyển đổi trở lại các phương tiện thanh toán truyền thống khó có thể thực hiện được ngay.
Hai là, sự xuất hiện của đồng Libra làm tăng thách thức đối với phòng ngừa rửa tiền và tội phạm. Quản lý không tốt những rủi ro nêu trên có thể khiến đồng Libra dễ bị giả mạo, gian lận và dẫn tới các yêu cầu bồi thường không được hỗ trợ bởi các tài sản sẵn có của các tổ chức phát hành. Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển rất nhanh thì nguy cơ về tội phạm mạng, giả mạo và gian lận khó có thể bị loại trừ. Bên cạnh đó, nếu đồng Libra với khả năng thực hiện việc chuyển khoản không giới hạn như mong muốn ban đầu có thể được sử dụng cho mục đích rửa tiền, trốn thuế, tài trợ khủng bố…do tính ẩn danh của các giao dịch và sự thuận lợi, dễ dàng trong giao dịch đồng Libra bị lợi dụng.
Thứ ba, tác động đối với các trung gian tài chính, Fintech và ví điện tử viễn thông: Tiền Libra có thể đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của các tổ chức trung gian tài chính, Fintech và ví điện tử viễn thông vì các cá nhân có thể giao dịch trực tiếp với nhau với chi phí thấp và nhanh chóng dựa trên nền tảng chuỗi khối Libra và các apps đi kèm. Mặt khác, việc các quốc gia có chính sách cấm đoán các đồng tiền kỹ thuật số nói chung và đồng Libra nói riêng sẽ tạo ra rủi ro cho các tổ chức trung gian tài chính, Fintech nếu chấp nhận chúng.
Thứ tư, đồng Libra có tác động đối với chính sách của ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý của các quốc gia. Khi việc sử dụng tiền kỹ thuật số nói chung và đồng Libra nói riêng ngày càng tăng sẽ có tác động đến hệ thống thanh toán (như nêu trên), đến lượng cung tiền, đến phân giao trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý rủi ro hệ thống, rủi ro lan truyền, nếu sự cố xảy ra. Một số quốc gia đã nghiên cứu để xác định cách tiếp cận, ứng xử và phương thức quản lý, giám sát…v.v. Ngoài ra, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng việc sử dụng tiền kỹ thuật số có thể dẫn đến những tổn thất ngân sách do trốn thuế, rửa tiền, hoặc do chưa có cách thức đánh thuế phù hợp…v.v.
Một số kiến nghị đối với Việt Nam
Tiền kỹ thuật số có thể coi là một phát minh của nhân loại, là xu thế, sẽ còn tiếp tục tồn tại; mặc dù có thể có những đồng tiền thoái trào, nhưng những đồng tiền mới lại xuất hiện, với những ưu điểm nổi trội hơn, bù đắp được những nhược điểm của các đồng tiền trước đó. Hơn nữa, công nghệ chuỗi khối (blockchain), với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Do đó, không thể ngăn cấm hoàn toàn mà vấn đề là nên quản lý, kiểm soát như thế nào. Theo đó, Chính phủ cần có phương thức quản lý phù hợp. Cụ thể, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam; tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với xu thế, với yêu cầu thực tiễn là cấm tuyệt đối sử dụng đồng tiền này.
Theo đó, nhóm nghiên cứu có 4 kiến nghị như sau.
(i) Từ kinh nghiệm quốc tế, đến nay có thể thấy việc quản lý tiền kỹ thuật số nói chung và đồng Libra nói riêng (nếu đồng tiền này đi vào hoạt động) của Việt Nam nên theo hướng thận trọng, có quan sát và vận dụng. Các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, tiền kỹ thuật số cần phải được cấp phép theo tiêu chuẩn nhất định. Hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên cần phải thường xuyên được giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch. Bên cạnh đó, cũng cần có những quy chế đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số như quy định về việc phân tách giữa tài sản của khách hàng với tài sản của công ty, phải đáp ứng các yêu cầu về tài chính, chuyên gia, quy trình và CNTT.
(ii) Nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) là một xu thế và sẽ được ứng dụng rộng rãi do nhiều ưu điểm của công nghệ này. Vì vậy, NHNN, Bộ tài chính, các bộ, ngành theo lĩnh vực của mình và các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ… cần sớm tìm hiểu, tiếp cận, xây dựng hành lang pháp lý (gồm cả dạng thí điểm – sandbox) để người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam có thể ứng dụng, khai thác và kiểm soát rủi ro nền tảng công nghệ khối chuỗi này.
(iii) Các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng và nhất quán thực thi chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia (Việt Nam đã có một số đề án nhưng khá rời rạc, thiếu nhất quán, đồng bộ, thiếu cập nhật); trong đó, thanh toán không tiền mặt cần có đột phá. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp quản lý các giao dịch thanh toán, chuyển tiền (gồm cả tiền kỹ thuật số) xuyên biên giới nhằm đảm bảo cam kết hội nhập, mở cửa, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro.
(iv) Cuối cùng, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc xuất hiện đồng Libra này; từ đó có phương án về cách tiếp cận, ứng xử và kịch bản quản lý, giám sát phù hợp.
Nguồn: cafef.vn
Bài viết mới nhất
- 1 Vinatex (VGT): Quý 4/2019 lãi ròng 94 tỷ đồng cao gấp 3 lần cùng kỳ
- 2 Vietcombank tuyên bố thưởng 1 tỷ đồng cho U22 Việt Nam nếu vô địch Sea Games 30
- 3 TPBank cảnh báo hành vi lừa đảo chào bán hồ sơ giải ngân trong ngày
- 4 NHNN yêu cầu thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
- 5 Thị trường nhà đất TP.HCM có đang gặp nguy?