Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2: Đường chông gai phía trước

redbag
19/06/2023

Nhìn lại kết quả tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 1 và bối cảnh hiện tại, phải nói rằng các mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2 như trong dự thảo là vô cùng thách thức.

Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hé lộ các mục tiêu cụ thể của tái cơ cấu ngân hàng đến năm 2020: (1) Tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số NHTM yếu kém; (2) Kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%; (3) Đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020.

Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2: Đường chông gai phía trước

Các mục tiêu trên là định hướng cần thiết để xây dựng một hệ thống tài chính – ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn lại kết quả tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 1 và bối cảnh hiện tại, phải nói rằng đây là những mục tiêu đầy thách thức.

Tâm điểm vẫn là xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu là mục tiêu quan trọng nhất trong tái cơ cấu ngân hàng. Nợ xấu được xử lý mới giải phóng nguồn vốn, giảm chi phí, tăng sức mạnh tài chính của ngân hàng, từ đó giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Quay lại thời điểm khởi động tái cơ cấu ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu do Cơ quan Thanh tra giám sát của NHNN công bố là 8,6% tại tháng 3/2012, tương đương khoảng 239,4 nghìn tỷ đồng (tổng dư nợ là 2,78 triệu tỷ). Đến cuối tháng 6/2016, tổng nợ xấu theo báo cáo của các TCTD ước khoảng 130 nghìn tỷ, cộng với 217 nghìn tỷ đang còn tồn ở VAMC thì tổng nợ xấu là 347 nghìn tỷ, tương ứng tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,89%. Nghĩa là sau hơn 5 năm, tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng tổng nợ xấu đã tăng 107,5 nghìn tỷ. Cần nói thêm, tỷ lệ nợ xấu 6,89% tại tháng 6/2016 cũng chỉ là bề nổi bởi tình trạng che giấu nợ xấu vẫn còn tại nhiều TCTD.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD. Việc xử lý nợ xấu đã mua của VAMC còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Giới chuyên môn cho rằng hai rào cản lớn nhất trong xử lý nợ xấu là việc các TCTD không thể chủ động xử lý tài sản đảm bảo và Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Muốn gỡ bỏ hai rào cản ấy không phải dễ, bởi phải có sự thay đổi đột phá về quan điểm và cần nhanh chóng sửa đổi đồng loạt các Luật và quy định liên quan. Điều này đã được NHNN, các NHTM và các chuyên gia đề xuất nhiều năm nay vẫn chưa có biến chuyển lớn. Cộng thêm sự bấp bênh của tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản khó phục hồi mạnh, nhiệm vụ xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là nhiệm vụ khó khăn nhất trong tái cơ cấu ngân hàng. Có lẽ vì vậy mà NHNN đã ban hành Thông tư 08/2016 cho phép các TCTD được gia hạn thời gian trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt từ tối đa 5 năm thành 10 năm.

Cắt giảm số ngân hàng yếu kém: Sáp nhập, tự tái cơ cấu hay phá sản?

Đầu năm 2012, NHNN đã phân loại các NHTM thành 4 nhóm, trong đó nhóm 4 gồm có 9 NHTM cổ phần yếu kém đã phải thực hiện tái cơ cấu bắt buộc thông qua các hình thức hợp nhất, sáp nhập hoặc tự tái cơ cấu. Cho đến nay, nhiều trường hợp trong số này dù đã tái cơ cấu nhưng vẫn chưa có những tiến triển rõ rệt. Không những thế, tái cơ cấu giai đoạn 1 đã chính thức thất bại tại 3 trong số 9 ngân hàng yếu kém và NHNN phải mua lại các ngân hàng này trong năm 2015 với giá 0 đồng, thực chất là “tạm” dùng nguồn lực của Nhà nước để ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ có thể lan truyền ra toàn hệ thống.

Cũng trong năm 2015, có thêm ba ngân hàng nổi lên như những điểm nóng mới là DongA Bank, Sacombank và Eximbank với những sai phạm về tài chính, cho vay và ồn ào trong cơ cấu sở hữu. NHNN đã phải tính việc đưa nhân sự của mình tham gia điều hành, giám sát các ngân hàng này.

Trong dự thảo đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất áp dụng giải pháp cho phá sản đối với các TCTD yếu kém. Đây là giải pháp cần tính đến trong bối cảnh các giải pháp hợp nhất, sáp nhập chưa đem lại hiệu quả rõ ràng. Tuy nhiên, giá như nó được thực hiện từ những năm trước, còn trong giai đoạn hiện tại, một quyết định phá sản ngân hàng sẽ chịu nhiều áp lực hơn bởi sau một thời gian “lỗ chồng lỗ” thì lỗ lũy kế và nghĩa vụ nợ ròng của nhiều ngân hàng đã tăng lên con số khủng khiếp.

Khó giảm lãi suất cho vay về 5%

Điểm khó hiểu trong dự thảo đề án là mục tiêu đưa lãi suất cho vay về mức 5% lại đi kèm mục tiêu “duy trì ổn định lạm phát và neo kỳ vọng lạm phát ở mức 5%/năm”, nghĩa là người gửi tiền phải chịu lãi suất thực âm nếu trừ đi lạm phát. Hiện tại chênh lệch lãi suất cho vay và huy động của ngân hàng ít nhất ở mức 2%-3% mới đủ bù các chi phí hoạt động và có lãi. Nếu vậy lạm phát phải khoảng 2% trở xuống thì lãi suất huy động mới thực dương. Nhưng mức lạm phát ấy không phù hợp với định hướng tăng trưởng và tính “dễ tổn thương” của kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, lãi suất cho vay còn chịu nhiều áp lực từ yêu cầu ổn định tỷ giá và nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách, đầu tư, trả nợ.

Mục tiêu giảm lãi suất cũng phụ thuộc nhiều vào kết quả xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Chi phí dự phòng và chi phí vốn cho khoản “tiền chết” ở nợ xấu đang tạo ra rào cản lớn khiến các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các ngân hàng yếu kém với uy tín thấp cùng với nợ xấu và rủi ro thanh khoản cao nên luôn tiềm ẩn nguy cơ chạy đua lãi suất huy động, từ đó ảnh hưởng xấu đến lãi suất cho vay.

Basel II và áp lực tăng vốn

Trong 3 trụ cột của Basel II, trụ cột yêu cầu về vốn tối thiểu là khó đáp ứng nhất. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu theo Basel II là 8%, mặc dù thấp hơn mức 9% hiện tại nhưng cách tính CAR của Basel II khắt khe hơn do ngoài rủi ro tín dụng, Basel II còn tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường.

Do đó khi áp dụng Basel II, CAR của nhiều ngân hàng sẽ giảm và những ngân hàng có CAR xung quanh 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn. Việc tăng phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thời gian qua ít thành công do giá cổ phiếu và cổ tức thấp, nhà đầu tư cũng ngại rủi ro trong quá trình tái cơ cấu. Vì vậy, nhiều ngân hàng đang tăng vốn bằng cách giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, giải pháp nới room ngoại và các giới hạn sở hữu của cổ đông trong nước cũng đang được các cơ quan chức năng tính đến. Bài toán tăng vốn nói riêng và đáp ứng Basel II nói chung sẽ cần nhiều thời gian. Nhưng thời gian 5 năm có khi lại quá ngắn đối với các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém vì họ đang phải lo “tồn tại” trước khi có thể nghĩ đến “sống khỏe”.