Đa số những người trẻ sở hữu nhà đất tại các đô thị lớn đều có tích lũy ban đầu khá khiêm tốn, hầu hết phải vay ngân hàng để mua nhà. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu chờ đủ tiền để mua nhà thì rất lâu và rất khó người trẻ mới có thể có chốn an cư ở thành thị.

Anh Vũ Văn H. vốn là người khá an bài với câu chuyện thuê nhà dài hạn để ở, số tiền tích lũy có được để phòng thân. Nhưng khi mua được căn hộ 1.8 tỉ đồng/căn tại Bình Dương cách đây một năm (trong đó vay ngân hàng 60% giá trị căn hộ), anh H cho biết, khi mua nhà xong nợ khoản vay hàng tháng, tạo ra một áp lực rất lớn cho bản thân. Từ đó, bản thân tìm mọi cách để tăng thu nhập để có tiền trả nợ, ngoài việc cố gắng hết sức trong công việc chính thì linh hoạt để có những nguồn thu nhập khác bên ngoài, và cứ thế thu nhập cũng tăng dần lên, vừa có tiền trả ngân hàng, cuộc sống của gia đình cũng thoải mái hơn.

“Hiện tại, vợ chồng tôi đã trả được các khoản vay bên ngoài, còn tiền trả ngân hàng hàng tháng cũng không còn áp lực như trước nữa. Công việc cũng tiến triển hơn nhiều sau những cố gắng của bản thân”, anh H chia sẻ.

Vay mua nhà sẽ có động lực kiếm tiền trả nợ

Trường hợp như anh H không hiếm, khá nhiều người trẻ sở hữu nhà ở đô thị đều có áp lực trả ngân hàng hàng tháng. Cách để họ thoát được áp lực là cố gắng làm việc tốt hơn, lấy nợ là động lực để tăng thu nhập, giảm bớt áp lực. Đó cũng là lý do khiến công việc của họ tốt lên. Nhiều người trẻ vay ngân hàng trong khoảng thời gian 10-15 năm nhưng khi thu nhập tốt lên đa số sẽ rút ngắn thời gian vay, giảm được tiền lãi phát sinh.

Trong đó, một số người trẻ ban đầu mua nhà nhỏ nhưng khi thu nhập tăng lên muốn tìm nơi khác rộng rãi, tiện nghi hơn. Và mua nhà luôn là động lực khiến những người trẻ phấn đấu nhiều hơn trong cuộc sống.

Một số chuyên gia cho rằng, áp lực trả nợ ngân hàng chính là động lực để người trẻ dám mua nhà, thậm chí “liều” để mua nhà và mới có nhà để ở. Tuy vậy, với những người có tích lũy khiêm tốn thì nên cân nhắc dòng sản phẩm để sở hữu, tránh trường hợp bị “đuối” khi trả nợ.

Cụ thể, người trẻ nên mua những căn nhà có diện tích xoay quanh diện tích 50-65m2. Với diện tích này có thể đủ cho hai vợ chồng, 1 đứa con. Với tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 30-40 triệu đồng/tháng thì có thể mua nhà ở mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn.

Bên cạnh đó, nên bỏ ra 50% tổng thu nhập để trả nợ vay mua nhà. Nếu trường hợp vừa đi thuê nhà, vừa mua nhà hình thành trong tương lai có thể bỏ ra 20-25%, thu nhập để trả nợ vay, với điều kiện thu nhập của người trẻ phải ổn định, và có thêm thu nhập thụ động bên ngoài.

Ngoài ra, khi vay mua nhà trả góp người trẻ cố gắng vay càng ít càng tốt. Tốt nhất không nên vay quá 50-60% giá trị căn nhà nhằm tránh áp lực về tài chính.

(Theo Tài chính Plus)